Giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc

Thứ ba - 27/07/2021 22:24
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra thành công của mỗi người phụ thuộc vào trí tuệ cảm xúc (EQ) nhiều hơn là trí thông minh (IQ).
trí tuệ cảm xúc eq e1550027251833
trí tuệ cảm xúc eq e1550027251833
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra thành công của mỗi người phụ thuộc vào trí tuệ cảm xúc (EQ) nhiều hơn là trí thông minh (IQ).
Họ cũng nhận thấy việc đạt điểm cao hay giành được nhiều giải thưởng không phải là chỉ số chính xác để quyết định xem con bạn có thành công trong cuộc sống hay không (Sparkman, 2008).
Một thống kê từ phân tích của Bradberry cho thấy, 90% người dẫn đầu trong mọi lĩnh vực công việc đều có EQ cao. Trong khi IQ đo lường khả năng học hỏi, EQ đo những kỹ năng vô hình được sử dụng để hướng dẫn con người giải quyết các tình huống trong cuộc sống.
Dr. Wartski từ Hiệp hội tâm lý học North Carolina cho biết, nhiều người có IQ trung bình và EQ cao có thể nổi trội vì có kỹ năng quản lý nhóm, làm việc tập thể và xử lý tình huống phức tạp về cảm xúc.
Mặc dù kiến thức đóng vai trò quan trọng hay những thành tích học tập có thể tăng thêm động lực cho con trẻ, niềm tự hào cho bố mẹ, nhiều nhà khoa học còn cho rằng trí tuệ cảm xúc mới chính là yếu tố quyết định con bạn có thành công trong cuộc sống hay không. 
Vì thế, cha mẹ đừng quá chú tâm tới việc bồi dưỡng kiến thức hàn lâm cho con mà quên đi rằng những cảm xúc của con cũng cần được quan tâm và nuôi dưỡng. Nhà tâm lý học Goleman cho rằng trí tuệ cảm xúc bao gồm 5 yếu tố chính: hiểu bản thân, kiểm soát bản thân, động lực cá nhân, lòng thấu cảm và kỹ năng xã hội.
Sau đây là năm gợi ý cho bố mẹ để giúp con nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc.
1. Giúp con hiểu về cảm xúc 
Trẻ con thường gặp khó khăn khi diễn tả những cảm xúc của mình, những gì mình đang cảm thấy hoặc trải qua. Điều đó khiến cho trẻ dễ bùng nổ và cáu giận ở nơi công cộng khi cảm thấy quá sức chịu đựng. Đôi khi nguyên nhân cũng là do trẻ quá lo lắng và căng thẳng.
Là bố mẹ, bạn hãy kiên nhẫn và mềm mỏng mỗi khi con gặp những vấn đề này. Hãy nói với con rằng bạn thấu hiểu những gì con đang trải qua và khuyến khích con gọi tên cảm xúc của mình. Điều quan trọng là bạn cần tạo ra môi trường để khiến con cảm thấy an toàn và có thể tin cậy. Hãy dạy con không thể chọn cảm xúc của mình, nhưng có thể chọn cách đối phó với nó.
2. Đừng đặt giới hạn cho cảm xúc
Bản chất tự nhiên của trẻ em là bốc đồng và nếu không được kiểm soát chúng có thể trở thành một người lớn bốc đồng. Vì vậy, khi nhận thấy con cư xử không đúng mực, bạn cần can thiệp trước khi con sử dụng bạo lực đối với chính mình hoặc người khác.
Mỗi khi can thiệp, bạn có thể áp dụng phương pháp đèn giao thông. Đầu tiên, bạn bảo con dừng lại, giống như lúc đèn đỏ bật lên. Tiếp theo là đèn vàng, bạn đề nghị con nghĩ tới các giải pháp, hỏi con sẽ làm gì trong trường hợp này. Bước cuối cùng là đèn xanh, bạn hướng dẫn con chọn phương án tốt nhất.
Bằng cách này, bạn đang dạy con giải quyết vấn đề. Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Behaviour Research & Therapy cho thấy những đứa trẻ thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề có nguy cơ trầm cảm và tự tử cao hơn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc dạy các kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ có thể cải thiện sức khỏe tâm thần.
3. Ghi nhận và khen ngợi những nỗ lực của con
Yếu tố thứ ba của trí tuệ cảm xúc là tự tạo động lực cho bản thân. Việc bạn công nhận nỗ lực chứ không phải là khen ngợi kết quả rất quan trọng đối với việc nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc của trẻ. Hãy cho con biết rằng chính sự kiên trì và chăm chỉ con dành để đạt được mục tiêu có ý nghĩa nhiều hơn thành tích của con.
Ảnh: Shutterstock.
4. Dạy con về lòng thấu cảm
Từ nhỏ, trẻ đã có thể nhận biết về thấu cảm, dù chưa thực sự hiểu đó là gì. Ví dụ, các bé có thể khóc khi thấy bạn mình khóc, bởi cảm thấy được những gì các em bé khác đang trải qua. Nhưng khi lớn lên, trẻ sẽ nhận ra những gì khiến người khác đau đớn chưa chắc đã làm mình cảm thấy buồn.
Đó là lý do vì sao người lớn cần dạy cho trẻ về lòng thấu cảm, dạy cách thiết lập mối liên hệ bằng cử chỉ và lời nói với người khác, giúp trẻ trở thành người tử tế, biết quan tâm và suy nghĩ về hành động của chính mình. Bạn có thể trò chuyện với con về những cuốn sách, những bộ phim hay. Hoặc khi con kể về chuyện của người khác, hãy xem nếu con ở trường hợp đó thì sẽ cảm thấy thế nào, có thể làm gì giúp bạn?
5. Khuyến khích con trò chuyện và biết lắng nghe
Ở nhà, bạn hãy thường xuyên trò chuyện cởi mở, gần gũi với các con để các con học cách kết nối và trao đổi thông tin với người khác, đồng thời dần hình thành thái độ tôn trọng đối với họ. Bằng cách này bạn đang giúp con nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ cảm xúc.
Đặc biệt, bạn cần tránh áp đặt suy nghĩ khi nói chuyện cùng con. Nếu bạn có ý kiến trái chiều, hãy cùng con phân tích đúng sai. Khi trẻ được tiếp xúc với nhiều quan điểm, chúng trở nên linh hoạt hơn trong suy nghĩ, và dễ chấp nhận, khoan dung hơn với người khác cũng như với bản thân.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây